Hapro tăng tốc xuất khẩu sau cổ phần hóa

Hapro tăng tốc xuất khẩu sau cổ phần hóa

1112
0

Với mục tiêu tăng tốc xuất khẩu sau cổ phần hóa, hoạt động xúc tiến thương mại được Hapro đặc biệt quan tâm. Đầu tháng 9/2018 này, Hapro đã tham dự Hội chợ quốc tế về thực phẩm và công nghệ chế biến tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, và đạt được kết quả rất khả quan. Không chỉ đơn thuần xuất khẩu hàng hóa, Hapro còn có chiến lược quảng bá, xuất khẩu dòng gốm cổ Chu Đậu, đưa văn hóa Việt ra thế giới.  


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu

Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tăng tốc xuất khẩu sau cổ phần hóa

Gặp Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Vũ Thanh Sơn ngay khi anh vừa từ Hội chợ quốc tế về thực phẩm và công nghệ chế biến 2018 tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ (WorldFood Istanbul 2018) trở về, anh Sơn phấn khởi cho biết, đây là hội chợ chuyên ngành nông sản và thực phẩm lớn nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ được tổ chức hàng năm. Hầu hết các doanh nghiệp cung cấp thực phẩm lớn trên thế giới đều tham gia hội chợ này. Hội chợ WorldFood Istanbul 2018 có diện tích trưng bày hơn 10.000 m2 với trên 350 gian hàng trưng bày của các doanh nghiệp, tổ chức đến từ 30 nước, thu hút trên 13 ngàn lượt khách tham quan đến từ 100 quốc gia và khu vực trên thế giới,

Tham dự WorldFood Istanbul 2018, Hapro mang đến các mặt hàng xuất khẩu truyền thống của Tổng công ty như gạo, hạt tiêu, hạt điều, quế, cơm dừa, các mặt hàng gia vị, trái cây sấy khô,… Tại hội chợ, gian hàng của Hapro đã tiếp gần 100 khách hàng đến tìm hiểu cơ hội hợp tác, đồng thời đoàn của Hapro cũng đã trực tiếp đi thăm nhà máy và văn phòng của các khách hàng truyền thống tại thành phố Istabul và Mercin, Thổ Nhĩ Kỳ. Kết quả tại hội chợ đã phản ánh những nỗ lực trong các hoạt động xúc tiến thương mại của Hapro khi đã ký được một số hợp đồng xuất khẩu nông sản với trị giá khoảng 1 triệu USD.

Là một trong những thị trường xuất khẩu nông sản trọng điểm của Tổng công ty, kim ngạch xuất khẩu của Hapro vào Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt khoảng 10 triệu USD/năm. Không chỉ là thị trường trọng điểm tại khu vực Tây Á, Thổ Nhĩ Kỳ còn là cửa ngõ quan trọng để Hapro có thể thâm nhập sang thị trường các nước Nam Âu và Châu Phi – Tổng Giám đốc Hapro Vũ Thanh Sơn cho biết thêm.

Cùng với hoạt động xúc tiến thương mại vào Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng công ty Hapro cũng đẩy mạnh xúc tiến thương mại sang các thị trường trọng điểm khác như: hạt điều sang Mỹ, Hà Lan, Canada; gạo sang Philippine Myanmar, Thái Lan; mặt hàng tiêu và cà phê sang một số nước Trung Đông, UAE, Hàn Quốc.

Đánh giá về hoạt động của Hapro sau cổ phần hóa, Tổng Giám đốc Hapro Vũ Thanh Sơn cho rằng, điều đáng mừng là sau cổ phần hóa, Tổng công ty giữ vững sự phát triển ổn định, không chỉ vậy mà còn tăng tốc trong xuất khẩu. Nhờ những nỗ lực trong hoạt động xúc tiến thương mại, kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2018 của Tổng công ty Hapro tăng 23% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng xuất khẩu bình quân chung của thành phố Hà Nội (19%).

Đạt được kết quả xuất khẩu tăng trưởng cao như trên, bên cạnh sự nỗ lực của Tổng công ty, không thể không nhắc đến sự phối hợp giúp đỡ hiệu quả của hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài. Chẳng hạn như tại thị trường Thổ Nhĩ Kỳ, Tham tán Thương mại Lê Phú Cường đã luôn sát cánh, kết nối Tổng công ty với các khách hàng, đưa ra những tư vấn cụ thể, thiết thực về thi hiếu, xu hướng tiêu dùng của nước sở tại, giúp Tổng công ty thâm nhập thị trường Thổ Nhĩ Kỳ hiệu quả- Tổng giám đốc Hapro Vũ Thanh Sơn nhấn mạnh.

Đoàn công tác Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) tham dự Hội chợ WorldFood 2018

Quảng bá gốm Chu Đậu, đưa văn hóa Việt ra thế giới

Cũng tại chuyến tham dự Hội chợ WorldFood 2018, đoàn công tác của Hapro đã tới thăm Bảo tàng Topkapisaray, là nơi lưu giữ bình gốm cổ hoa lam Chu Đậu – là một trong những bảo vật quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ. Chính từ chiếc bình quí giá này,Việt Nam và thế giới tìm ra được nguồn gốc của gốm Chu Đậu, Việt Nam. Và Hapro đã đầu tư nghiên cứu khôi phục thành công sản phẩm Gốm Chu Đậu nổi tiếng của Việt Nam đã thất truyền 500 năm trước. Chiếc bình gốm Chu Đậu đang được lưu giữ tại Bảo tàng Topkapi Saray Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang được bảo hiểm hàng triệu USD. Chiếc bình gốm hoa lam hình củ tỏi, cao 54cm được trang trí hoa Cúc đại đóa và hoa dây cùng một số họa tiết khác mang đậm bản sắc văn hóa Việt do nghệ nhân Bùi thị Hý người Chu Đậu Châu, Nam Sách, Hải Dương vẽ vào năm 1450. Tổng Giám đốc Hapro Vũ Thanh Sơn cho biết khi đến thăm bảo tàng, đích thân bà Ayse – Giám đốc Bảo tàng Topkapisaray đã đón tiếp đoàn, và giới thiệu một số cổ vật khác của Bào tàng, trong đó có thêm 2 sản phẩm Gốm cổ Chu Đậu cũng được trang trọng trưng bày lưu giữ tại Bảo tàng.

Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu Nguyễn Hữu Thức vẫn chưa hết xúc động, bởi không ngờ đi sang một đất nước xa xôi, cách hàng ngàn km, mà lại được nhìn thấy những bình gốm cổ Chu Đậu, do bàn tay tài hoa của người nghệ nhân gốm Chu Đậu, Việt Nam từ thế kỷ XV tạo nên được lưu giữ trang trọng trong bảo tàng quốc gia của đất nước Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Nguyễn Hữu Thức cho biết, trước đây, chúng ta mới chỉ có thông tin là có một bình cổ gốm Chu Đậu được lưu giữ tại Bảo tàng Topkapisaray, Thổ Nhĩ Kỳ. Lần này sang thăm, mới biết, Bảo tàng lưu giữ 03 bảo vật gốm cổ Chu Đậu. Đây thực sự là niềm tự hào đối với làng gốm Chu Đậu nói riêng và nước ta nói chung. Trong niềm vui tận mắt nhìn thấy cổ vật Việt Nam được trưng bày tại Thổ Nhĩ Kỳ, Đoàn công tác Hapro đã tặng Bảo tàng chiếc Bình Gốm hoa lam Chu Đậu được Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu sản xuất theo nguyên mẫu bình gốm đang được lưu giữ tại Bảo tàng Topkapisaray .

Tổng Giám đốc Hapro Vũ Thanh Sơn (thứ hai bên phải) và Giám đốc Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu Nguyễn Hữu Thức (ngoài cùng bên phải) trao tặng Giám đốc Bảo tàng Topkapisaray, Thổ Nhĩ Kỳ bình gốm hoa lam Chu Đậu

Giám đốc Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu Nguyễn Hữu Thức chia sẻ, sau chuyến công tác và thăm sản phẩm gốm Chu Đậu trưng bày tại bảo tàng Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng giám đốc Vũ Thanh Sơn đã có chỉ đạo, định hướng Công ty phải sản xuất ra những sản phẩm gốm Chu Đậu chế tác theo các nguyên bản gốm Chu Đậu đang được lưu giữ tại các bảo tàng trên thế giới để xuất khẩu.

Vậy là, một chiến lược mới cho Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu đã được hình thành từ đây. Ông Nguyễn Hữu Thức xác định, ngoài những sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng, Công ty CP gốm Chu Đậu sẽ hướng trọng tâm vào những sản phẩm được chế tác theo các nguyên bản gốm Chu Đậu được lưu giữ tại 46 bảo tàng của 32 quốc gia trên thế giới, đồng thời nghiên cứu dòng sản phẩm gia dụng cao cấp để đáp ứng xu hướng tiêu dùng của thế giới.

Với nét độc đáo của dòng gốm Chu Đậu, Tổng công ty Thương mại Hà Nội mà trực tiếp là Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu sẽ tăng cường quảng bá gốm Chu Đậu để đẩy mạnh xuất khẩu. Như cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tổng kết “Gốm Chu Đậu tinh hoa văn hóa Việt Nam” và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tặng 10 chữ vàng “Gốm Chu Đậu- Bản sắc Việt, tỏa sáng năm châu”. Do vậy xuất khẩu sản phẩm gốm Chu Đậu chính là đưa văn hóa Việt ra thế giới. Và “Chúng tôi tự hào là những người trực tiếp quảng bá văn hóa Việt ra thế giới”- Tổng Giám đốc Hapro Vũ Thanh Sơn chia sẻ.

Ông Vũ Thanh Sơn- Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội- công ty cổ phần (Hapro):

Hapro tiếp tục tập trung phát triển đẩy mạnh và nâng cao kim ngạch xuất khẩu; đưa thương hiệu xuất khẩu Hapro trở thành thương hiệu quốc tế hàng đầu tại khu vực; phát triển, mở rộng thị trường xuất khẩu đến hơn 80 nước và khu vực trên thế giới. Xây dựng thành công 5 mặt hàng xuất khẩu nằm trong 5 doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu của cả nước gồm: gạo, hạt tiêu, hạt điều, cà phê, thủ công mỹ nghệ.

 

Tổng Giám đốc Hapro Vũ Thanh Sơn (giữa) trực tiếp lắng nghe yêu cầu của các bạn hàng

 

Tổng Giám đốc Hapro Vũ Thanh Sơn cùng các đối tác tại Hội chợ WorldFood 2018

Lê Kim Liên

 

Thông tin chi tiết tham khảo: http://congthuong.vn/hapro-tang-toc-xuat-khau-sau-co-phan-hoa-108918.html

 

CHIA SẺ

KHÔNG NHẬN XÉT

Comments are closed.